Ngày 20/6, ngay khi nhận được thông tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia về việc có người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ hiến tạng, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế lập tức cử một kíp bác sĩ lên đường đến Phú Thọ.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, kíp bác sĩ phối hợp cùng y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tiến hành các thủ tục để nhận tạng.
Tạng từ người hiến chết não được vận chuyển về Huế để ghép cho bệnh nhân.
Sau khi hội chẩn và đánh giá các điều kiện, hội đồng quyết định điều phối 2 quả thận cho các bệnh nhân chờ ghép ở Huế.
Cùng lúc này, mẫu máu của bệnh nhân lập tức được đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế để làm xét nghiệm, đánh giá độ tương hợp với các bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đang điều trị.
Khoảng 19h cùng ngày, kết quả xét nghiệm tìm ra hai bệnh nhân đủ điều kiện để nhận thận từ người hiến tặng. Ngay lập tức, kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tại Phú Thọ tiến hành phẫu thuật lấy 2 quả thận và van để vận chuyển vào Huế ghép cho bệnh nhân trong đêm.
Đến 22h22 cùng ngày, thận hiến được vận chuyển về đến Bệnh viện Trung ương Huế. Tại đây, hai ê kíp bác sĩ cùng lúc tiến hành ghép thận cho hai bệnh nhân P.P.T. (32 tuổi, trú huyện Đakrông, Quảng Trị) và Đ.N.T. (31 tuổi, trú Thừa Thiên Huế).
Sau hơn 3h phẫu thuật, hai bệnh nhân được chuyển ra phòng Hồi sức ghép tạng với các thông số huyết động ổn định, nước tiểu khoảng 100-150ml/h trong 3h đầu và dần dần cải thiện.
Một ngày sau ghép, hai bệnh nhân tỉnh táo, các thông số huyết động ổn định, các chỉ số sinh hóa dần cải thiện, lượng nước tiểu cho thấy chức năng thận ghép tốt.
Hai bệnh nhân hồi phục sau ghép thận.
ThS.BSCKII Võ Đại Quyền, Phó Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, sau ghép, cả hai bệnh nhân hồi phục tốt, bệnh nhân có thể tự ăn uống, đi lại, chức năng thận gần đạt mức bình thường.
"Việc ghép thận tại bệnh viện diễn ra một cách thường quy, mỗi tuần có thể thực hiện ghép cho 6 bệnh nhân. Hiện nay lượng bệnh nhân suy thận mạn có nhu cầu ghép thận trên cả nước rất lớn, tuy nhiên nguồn tạng hiến khan hiếm. Do đó, hy vọng rằng, mọi người sẽ thay đổi quan điểm để có thêm những nguồn tạng hiến từ người chết não, qua đó giúp cho nhiều bệnh nhân tiếp tục được cải thiện đời sống tốt hơn", ThS.BSCK II Võ Đại Quyền
"Họ đã mang đến cho tôi một cuộc sống mới"Có bằng kỹ sư với một công việc ổn định, tưởng chừng cuộc sống anh P.P.T. sẽ trôi đi bình yên như bao người. Thế nhưng trong một lần ốm nặng nhập viện, anh T. gần như suy sụp khi được các bác sĩ thông báo bị suy thận.
Hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, chi phí điều trị lại cao trong khi bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm, có lúc anh T. rơi vào bế tắc. Để rồi, khi biết tin được ghép thận từ người hiến chết não, anh T. cùng gia đình như vỡ oà...
Anh P.P.T. sau ca ghép hiện hồi phục tốt.
Nằm điều trị tại phòng chăm sóc sau ghép thuộc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế), anh T không khỏi xúc động khi nhắc đến câu chuyện của hơn 1 tuần trước.
"Ngày hôm đó, khi tôi vừa kết thúc đợt chạy thận, chuẩn bị về nhà thì nhận được thông báo từ bác sĩ có người chết não hiến tạng, tuy nhiên đang cần làm các xét nghiệm để xem có phù hợp hay không. Dù phải đợi kết quả nhưng thực sự cảm xúc tôi lúc đó rất vui, như ca ghép thận được thực hiện xong", anh T. nói.
Sau khi kết quả xét nghiệm cho thấy, thận của người hiến tương thích với anh T.. Ca ghép thận diễn ra và cho kết quả thành công, sau hơn 1 tuần được ghép thận, anh T. tăng 3 kg, sức khỏe dần hồi phục.
"Thật sự đến bây giờ tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành gửi tới gia đình người hiến tặng thận. Sau khi hồi phục ra viện, tôi sẽ ra Phú Thọ để về cảm ơn, bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình người hiến. Họ đã mang đến cho tôi một cuộc sống mới", anh T. bày tỏ.
Cũng giống như anh T., anh Đ.N.T. là bệnh nhân được ghép thận thành công từ người hiến chết não ở Phú Thọ.
"Suốt 4 năm phải liên tục chạy thận, bây giờ tôi được ghép thận để tiếp tục có cuộc sống mới. Thật sự rất biết ơn gia đình người hiến tặng tạng cũng như các y, bác sĩ đã tận tình hỗ trợ, giúp đỡ, phẫu thuật", anh Đ.N.T. chia sẻ.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đến nay, bệnh viện thực hiện gần 2.000 ca ghép mô tạng từ người cho sống và người cho chết não. Hàng năm đơn vị triển khai trên dưới 200 ca ghép tạng tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu bệnh nhân ở Thừa Thiên Huế, khu vực miền Trung và cả nước.
"Những năm gần đây, mặc dù có sự thay đổi rất nhiều nhưng tỷ lệ hiến tặng mô tạng còn thấp, tại bệnh viện, tỷ lệ ca ghép từ người cho chết não chiếm khoảng 5%. Chính vì vậy, một phong trào rộng lớn để phát động việc hiến ghép mô tạng đối với người cho chết não là hết sức cần thiết để đảm bảo nguồn hiến mô tạng cho người bệnh", GS.TS Phạm Như Hiệp nói.
Xây dựng đội ngũ vận động hiến ghép mô tạng
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nước ta hiện có 26 bệnh viện có thể ghép tạng, bên cạnh đó, một số bệnh viện tỉnh đạt được trình độ chẩn đoán chết não cũng như quy trình lấy mô tạng hiến.
"Mỗi năm, Việt Nam ghép được khoảng 1.000 ca, tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt nguồn hiến tạng khan hiếm. Bên cạnh đó, tỷ lệ người hiến chủ yếu ở người cho sống, trong khi các nước phát triển nguồn hiến chủ yếu người chết não. Điều này đòi hỏi phải thay đổi tư duy, nhất là trong công tác vận động hiến tạng", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Thứ trưởng cho biết, mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ phát động hiến tặng mô tạng, sau buổi lễ, tỉ lệ người hưởng ứng, đăng ký hiến tặng mô tạng tăng nhanh chóng. Tin tưởng rằng với sự phối hợp của Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành liên quan, sự vào cuộc của các bệnh viện, nguồn tạng hiến sẽ tăng lên.
Thứ trưởng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế về công tác hiến ghép mô tạng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các kỹ thuật hiện đại, phát triển các kỹ thuật cao để tiếp cận được trình độ cao, có như vậy ngành ghép tạng tiếp tục được duy trì, phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, để công tác vận động, hiến ghép mô tạng đạt kết quả cao cần thiết từng bước xây dựng đội ngũ vận động hiến ghép mô tạng ở các đơn vị.